7 MÓN ĂN BỔ DƯỠNG TỪ HỒNG SÂM
Tin tức

7 MÓN ĂN BỔ DƯỠNG TỪ HỒNG SÂM

Đăng: 29/04/2022 bởi ĐỖ VĂN PHA.

Hồng sâm có không chỉ là một loại thuốc quý mà còn là nguyên liệu nấu ăn tuyệt phẩm. Người Hàn Quốc đặc biệt yêu thích 7 món ăn lạ miệng chế biến từ hồng sâm dưới đây.

Từ xa xưa, nhân sâm không chỉ là một loại thuốc quý mà còn được chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng phục vụ trong cung đình Hàn Quốc. Nhân sâm bao gồm ba loại chính là nhân sâm tươi, hồng sâm và bạch sâm. Hồng sâm được chế biến từ những củ sâm to bằng cách cho vào nồi hấp trong khoảng 2h rồi đem sấy hoặc phơi khô. Khi khô, sâm có màu hồng nhạt, trong suốt, có mùi thơm, vị ngọt hơi đắng nên được gọi là hồng sâm.

Hồng sâm có rất nhiều tác dụng như tăng sức đề kháng, ngăn ngừa lão hóa, lưu thông máu, phòng và chữa các bệnh dạ dày, ung thư, tim mạch. Ngoài ra, chúng còn có có lợi cho người bị mất ngủ, tăng cường sức khỏe cho người mới ốm dậy hoặc người nằm bệnh lâu ngày. Do đó, ngoài công dụng làm thuốc, nhân sâm được chế biến thành nhiều món ăn rất hấp dẫn mà bổ dưỡng.

Dưới đây là 7 gợi ý giúp các chị em chế biến món ăn với củ hồng sâm thật ngon miệng được người Hàn Quốc thường xuyên sử dụng:

1. Gà tần sâm (Sam Gye Tang)

Đây là một trong những món ăn nổi tiếng bậc nhất của Hàn Quốc. Gà mềm, đượm vị ngọt của thịt chín tới, hồng sâm, táo tàu có tác dụng giải nhiệt hiệu quả, bồi bổ sinh lực vào những ngày nóng nực mùa hạ. Cách chế biến Sam Gye Tang cũng không quá phức tạp.

Nguyên liệu chính của món gồm gà, gạo nếp, hồng sâm, táo tàu, cam thảo. Ở mỗi nơi và tùy vào khẩu vị các gia đình, người đầu bếp sẽ gia giảm nêm nếp thêm một số loại gia vị khác như vừng đen hay hoàng kỳ.

 

Gà tần sâm là món ăn bổ dưỡng người Hàn Quốc thường xuyên sử dụng

Hồng sâm được hầm trước với lửa nhỏ khoảng một giờ. Sau đó, cho tất cả các nguyên liệu vào bụng gà rồi đun tới khi nước sâm có hương thơm. Không nên đun quá lâu vì thịt sẽ bị bở nát và bay hết hương vị. Ngoài mùi hương nồng nồng ngào ngạt, nồi gà bưng lên nóng hôi hổi, cơm nếp vừa chín tới quyện với vị ngọt từ hồng sâm, thơm mùi táo tàu, ăn tới đâu khỏe tới đó.

2. Canh hồng sâm hạt sen

Hạt sen và hồng sâm đều là đồ ăn ngon, đem hấp cùng đường phèn, tác dụng của nó càng rõ rệt hơn, có thể nâng cao hiệu suất công tác của những người lao động trí óc. Tuy nhiên, cách làm món ăn này lại khá kỳ công. Hồng sâm bỏ vào bát nhỏ, đặt vào nồi hấp mềm rồi thái miếng mỏng. Bỏ một ít hạt sen vào bát đựng miếng hồng sâm, đổ nước vào ngâm, rồi cho nước đường phèn vào đậy nắp, hấp cách thủy một giờ. Sau đó, bắc ra là có thể dùng được, hạt sen mềm bở, nước canh ngọt dịu.

3. Cơm trộn hồng sâm (Ginseng bibimbap)

Ngoài loại cơm trộn kinh điển vốn dĩ đã quen thuộc, các bà nội trợ Hàn Quốc còn biến tấu thêm món cơm trộn hồng sâm không chỉ dễ ăn mà còn mang lại nhiều chất dinh dưỡng. Món ăn nhìn chung được chế biến giống với bibimbap thông thường nhưng cho thêm nguyên liệu là nhân sâm nên có chút vị ngòn ngọt man mát của sâm, quyện với thịt bò ngọt đậm và nước sốt trứ danh. Món ăn này đặc biệt quyến rũ được các bé và được nhiều nhà hàng tại Hàn Quốc khuyến khích, thậm chí cả với những ai vốn không “ưa” cơm trộn cho lắm.

 

Cơm trộn hồng sâm là một cách biến tấu độc đáo của các bà nội trợ Hàn Quốc

4. Cháo hồng sâm

Đây là một loại thức ăn rất bổ dưỡng, thích hợp với người già yếu, suy nhược, mỏi mệt, ăn uống không ngon miệng, mất ngủ, hay quên, hoạt động sinh dục suy yếu. Nguyên liệu chính để nấu cháo nhân sâm bao gồm hồng sâm, gạo tẻ, đường phèn.

Gạo sau khi vo, trộn với củ hồng sâm đã nghiền bột hoặc hồng sâm lát, cho vào nồi đất hoặc nồi nhôm và cho thêm đủ nước. Sau đó, đun to lửa cho sôi, chuyển sang nhỏ lửa sắc cho tới lúc cháo chín. Đường phèn và nước được vào một nồi khác, nấu thành nước đường đặc, rồi đổ từ từ vào cháo đã chín, khuấy đều thành cháo đường. Trong khi nấu cháo phải tránh dùng các dụng cụ bằng sắt. Khi ăn cháo hồng sâm, không được ăn củ cải và uống nước trà, nên ăn lúc đói, ăn vào bữa sáng hoặc bữa tối trong mùa đông để tẩm bổ.

5. Sữa hồng sâm

Công thức sữa nhân sâm ngọt lịm được nhiều người yêu thích như sau: Bỏ 350ml sữa tươi, một rễ củ nhân sâm, 1/4 quả táo, 2 thìa mật ong vào máy xay sinh tố trong 2-3 phút. Bạn nên dùng ngay hoặc có thể bỏ lò vi sóng làm nóng trước khi dùng. Sữa hồng sâm không nên dùng lạnh bởi kết hợp với tính hàn vốn có của củ hồng sâm sẽ khiến người ăn dễ bị đau bụng. Với công thức đơn giản cho việc chế biến tại nhà, bạn có thể uống sữa hồng sâm sau khi ốm để phục hồi nhanh hơn, tăng cường hệ miễn dịch và giải tỏa căng thẳng.

 

Sữa hồng sâm rất dễ uống và tốt cho sức khỏe

6. Hồng sâm nấu sườn và hạt bạch quả

Bạch quả được trồng nhiều trên các đường phố Hàn Quốc, vào mùa thay lá chúng khiến cho những con phố ở thủ đô Seoul vàng rực một góc trời, tạo nên cảnh tượng rất đẹp mắt. Do đó, tới Hàn Quốc mà ăn một bát canh nhân sâm nấu sườn và hạt bạch quả thì quả là “đúng điệu”. Cách chế biến món ăn này cũng không quá cầu kỳ.

Chân gà nấu trong khoảng một giờ với nước dùng cùng với hồng sâm, bạch quả, hạt kỷ tử, hoài sơn, thục địa, đỗ trọng, bắc kỳ. Sườn rửa sạch, chần sơ qua nước sôi sau đó cho vào nồi cùng với bạch quả, nấu lửa lớn đến khi sôi, vặn lửa nhỏ. Khi sườn mềm thì nêm gia vị là có thể bắc ra dùng nóng. Món ăn này có thể ăn với cơm trắng rất ngon miệng.

7. Trà hồng sâm mứt chà là

Uống trà hồng sâm nóng là một trong những cách thưởng thức được nhiều người ưa thích. Thay vì chỉ dùng thêm mật ong hoặc đường, bạn có thể pha chung với mứt chà là bán sẵn trên thị trường để có hương vị ngọt nhẹ và thoang thoảng mùi thơm. Hồng sâm rửa sạch, cho vào bình nước, thêm vài quả chà là rồi đun sôi trong vòng một giờ đồng hồ, sau đó có thể dùng luôn.

Những món ăn nêu trên đều được người Hàn Quốc sử dụng một cách thường xuyên để tẩm bổ cho cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai và tăng sức đề kháng.

Viết bình luận của bạn: